Bi phat den 30 trieu dong neu che nguoi khac beo, e, xau tren mang

Bình phẩm một cách tiêu cực về ngoại hình người khác như “béo, ế, xấu…” tưởng chừng chỉ là những câu nói đùa vu vơ, nhất là trong môi trường mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu người bị nhận xét cho rằng, họ bị xúc phạm về nhân nhân phẩm thì theo Nghị định 15/2020 có hiệu lực từ 15.4.2020, người có những lời lẽ bình phẩm thiếu văn minh trên sẽ nhận mức phạt tới 30 triệu đồng.

Vô tư bình phẩm – vô tình xúc phạm

Mới đây, công bố của Microsoft  qua khảo sát 500 người từ 13 đến 74 tuổi cho thấy: Tại Việt Nam tỉ lệ các tin nhắn, bình phẩm tiêu cực về ngoại hình người khác trong môi trường internet chiếm tới 35%. Đối tượng bị bình phẩm chủ yếu là phụ nữ.

Tuy nhiên con số đó chưa phản ánh hết hành vi được cho là là thiếu văn minh trên không gian mạng.

“Trong các bạn bè tôi thì đa số vẫn vô tư mang những điểm khiếm khuyết trên cơ thể người khác ra để bình phẩm, comment trên mạng xã hội- Mai Anh, sinh viên năm cuối một trường Đại học ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay – Khi hỏi lại là tại sao có thể vô duyên đến vậy thì tất cả đều nói, họ nói cho vui thôi, không có ý xúc phạm. Thế nhưng họ lại không hiểu được những tác động về tâm lý rất lớn khi thường xuyên phải nghe bình phẩm như vậy”.

Năm 2018, mạng xã hội dậy sóng vì một nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An đã tự tử tại ao gần nhà khi phải đối mặt với những lời bình phẩm ác ý, thô tục trên mạng. Gần hơn, giữa năm 2019, một bà mẹ ở Đồng Nai đã phải cầu cứu tới cơ quan chức năng về việc con gái bà bị bôi nhọ, xúc phạm tới mức trầm cảm và thường xuyên nghĩ đến chuyện tự tử.

Năm 2018 trước thực trạng này, tại TPHCM, một nhóm giáo viên đã tiến hành khảo sát 500 em học sinh tại thành phố về ảnh hưởng và tác động của những bình phẩm tiêu cực về ngoại hình. Kết quả 56% học sinh gặp phải hành vi này. Trong đó, 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, chủ yếu tập trung những khuyết điểm của cơ thể như vóc dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng. Nhóm nghiên cứu này đưa ra nhận định: Đa số học sinh chưa tự xử lý được vấn đề này, thậm chí còn có suy nghĩ, hành động tiêu cực như “muốn trốn cả thế giới”, “tuyệt vọng muốn trốn ở nhà luôn hoặc đi phẫu thuật”…

Tuy nhiên, chính lớp trẻ lại không ý thức được việc mình làm: “Tôi nghĩ đa số là đùa xong rồi thôi, ít ai nghĩ đến hậu quả phía sau. Nhưng có lẽ một phần do ít người bị khởi kiện, bồi thường vì nói xấu về ngoại hình người khác”- Phạm An, 27 tuổi ở Hà Nội chia sẻ.

Có chế tài nhưng có lỗ hổng

Trên thực tế thì các quy định hiện hành cũng đã quy định về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ; cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Còn theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Nếu tính chất, mức độ của một trong các hành vi đủ để người đó phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với khung cho tội danh: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì bồi thường tới 30 triệu đồng và có thể bị án tù tới 3 năm. Với tội danh dẫn đến Gây rối loạn tâm thần, hành vi của nạn nhân với mức tổn thương từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 5 năm.

Thế nhưng các luật hiện hành lại không quy định rõ hành vi như chế giễu, chê bai ngoại hình người khác có phải thuộc tội “làm nhục” hay không. Và việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín trên môi trường internet khác với việc xác phạm trực tiếp có khung xử lý khác nhau không?

Những lỗ hổng này đang được kỳ vọng sẽ được lấp đầy khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”.

Kể từ ngày 15.4.2020 Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội được làm rõ trong điều 101. Theo đó, hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Xây dựng văn minh khi tham gia mạng xã hội đang được đẩy mạnh. Nghị định 15/2020/NĐ-CP được kỳ vọng là sẽ làm trong sạch môi trường mạng, đặc biệt là trên internet. Trong đó nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, cẩn trọng và cân nhắc hơn khi bình phẩm về ngoại hình người khác với những ngôn từ tưởng chừng như chỉ để đùa như: “gầy, xấu, ế”…

Minh Bằng</span
Nguồn: Báo Lao Động